…Diên Hồng thề trước thánh minh
Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành
Nếu ai muốn đến giành đất Việt
Đưa dân ta ra giết sạch trơn
Một người Việt hãy đương còn
Thì non sông Việt vẫn non sông nhà…
1928
Đoạn thơ được trích theo hồi ký của chiến sĩ lão thành cách mạng Lê Mạnh Trinh, một người hoạt động cùng thời với Nguyễn Ái Quốc, trong đó ghi:
Mùa thu năm 1928, ở Bản Đông, có ông Chín xuất hiện… Thấy kiều bào hay lễ Đức thánh Trần, Thầu Chín viết ra “Bài ca Trần Hưng Đạo” (Thầu Chín là bí danh của Nguyễn Ái Quốc).
Bài ca Trần Hưng Đạo được truyền bá một cách mau chóng và thần diệu…
Được ít ngày, Bác Chín bảo tôi và một anh thanh niên tên là Tô (tức Long) đi xuống Mục Đa Hản, một huyện thuộc tỉnh Na Khon… chỗ ấy có độ ba mươi gia đình, có một cái đền thờ ông Trần Hưng Đạo nữa… Vài phút trước khi tôi ra đi, Bác Chín đưa cho tôi một cái gói con. Bác bảo: “Tôi trao cho anh một cái cẩm nang”… Đến nơi, tôi giở ra xem. Chán quá! Té ra là một quyển ca “Trần Hưng Đạo”.
Tôi đến Mục Đa Hản theo lời Bác Chín bảo… Tôi thường ra đền Trần Hưng Đạo xem anh em đọc kinh, cầu cúng… Tôi mang “kinh” ra đền cùng anh em đọc… Gần hai tháng sau, Bác Chín và anh Thuyên về Mục Đa Hản, Bác tìm tôi, hỏi:
– Bây giờ nó thế nào, liệu chừng rồi ra sao?
– Khá hơn trước rồi – Tôi trả lời Bác.
– Thế à! Có lúc nào ra đền đọc kinh không?
Tôi cười: – Ngày nào cũng đọc…
Bác Chín cười, vui vẻ…