題徳門洞其一
三台對面鳥聲甜,
流水潺潺伴我眠。
走遍天涯千里路,
藏身此洞最安全。

Đề Đức Môn động kỳ 1
Tam Thai đối diện điểu thanh điềm,
Lưu thuỷ sàn sàn bạn ngã miên.
Tẩu biến thiên nhai thiên lý lộ,
Tàng thân thử động tối an toàn.

Dịch nghĩa
Trên núi Tam Thai trước mặt, tiếng chim nghe ngọt ngào,
Nước chảy rầm rì ngay bên cạnh chỗ ta ngủ.
Chạy khắp chân trời đường xa vạn dặm,
Ẩn mình ở trong động này là nơi an toàn nhất.

Theo Hữu giang nhật báo 右江日報 số ngày 31-5-2013 phát hành tại Quảng Tây, ngày 14-4-2013, ông Đào Hà Triển 陶河展 đi leo núi Tam Thai nằm cách trấn Long Lâm, huyện Tĩnh Tây chừng 2km về phía tây, phát hiện tại động Đức Môn trên núi này có hai bài thơ này của Bác viết trên một bức tường đá. Hai bài thơ này sau được GS. Hoàng Tranh 黃錚, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, cho nhà nghiên cứu Lê Xuân Đức biết, và tháng 9-2014, ông Lê Xuân Đức công bố ở Việt Nam trên tạp chí Văn nghệ quân đội.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc và những người cao tuổi ở địa phương, khoảng đầu những năm 1930, người tìm ra động này là ông Trương Đình Vi 張廷圍 (1889-1956), một người dân tộc Choang ở Long Lâm. Đầu tháng 12-1940, Bác rời văn phòng Bát Lộ Quân ở Quế Lâm để về Tĩnh Tây, tìm cách bắt liên lạc với Ban Hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương và tìm mối để gặp các đồng chí từ Việt Nam sang, chuẩn bị cho kế hoạch về nước. Thời gian ở Long Lâm, Bác chủ yếu sống tại nhà hai ông Trương Đình Vi và Lâm Bích Phong 林碧峰. Tại đây, Bác đã kết nghĩa với một số anh em người địa phương thường giúp đỡ, đùm bọc mình. Ông Trương Đình Vi nhiều tuổi nhất, được tôn là anh cả, Bác Hồ là anh hai, ông Lâm Bích Phong là anh ba… Lúc bấy giờ tình hình vùng này không được yên ổn, các ông Trương Đình Vi, Lâm Bích Phong và những người anh em kết nghĩa đã đưa Bác vào ở trong động Long Lâm. Hàng ngày, những người anh em ấy thay nhau đem cơm nước và tin tức về tình hình bên ngoài vào cho Bác. Ông Trương Đình Vi lúc ấy có một người cháu nội tên là Trương Kỳ Châm 張其箴 (tự Thuật Phong 述豊). Người cháu này thường được ông nội phân công vào động giúp đỡ Bác những việc cần thiết. Trương Thuật Phong cho hay, những lúc cao hứng, Bác thường làm và đọc thơ. Có lần, nghe Bác ngâm vịnh, thấy thơ hay và đúng cảnh hiện tại, Trương Thuật Phong đã viết lên vách đá trong hang hai bài thơ này của Bác.

Lạc khoản bài này ghi “Nguyễn bá thi, Thuật Phong đại bút” 阮伯詩,述豊代筆 (Thơ bác Nguyễn, Thuật Phong viết thay), không có ngày tháng. Cả hai bài đều không có tiêu đề, tiêu đề ở đây do người gửi tạm đặt.

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (chưa có vote)
Loading...

Để lại một bình luận