Quá An Nam, lứ khách trú,
Trăng trói lăng xằng nhau một lũ.
Ngoài mặt ngỡ ngàng lạ Bắc, Nam,
Trong tai, cắc cớ xui đoàn tụ.
Bọn làng chẳng vị sĩ năm kinh,
Ông Bổn không thương người bảy phủ.
Phạt ta xong rồi trở lại nhà,
Quá thời hốt thuốc, lứ bong vụ.
Về hoàn cảnh sáng tác, Pham Hữu Yên giải thích: “Tác giả đứng coi một đám đánh thò lò (bong vụ), bị cức trách trong làng bắt trói chung với một người Hoa kiều làm cái.” Theo nhà văn Phan Khôi (trong Chương dân thi thoại): “Có một lần trên mâm xôi Học Lạc đem ra đình, ông đề hai chữ ‘Thằng Lạc’ thay vì chức tước và tên họ (xem bài ‘Tạ hương đảng’). Đại để việc trên đây, đủ làm cho người làng hờn ghen, thành ra có sự vu cho việc đánh bông vụ (thò lò) mà bắt ông đóng trăng… nên mới có bài thơ này”. Nhà văn Phan Văn Hùm dẫn lại lời kể của ông Nguyễn Tất Đại ở Cần Thơ, nguyên Chủ bút nhật báo “An Hà” và là bạn thân của Học Lạc như sau: “Trong làng ông Học Lạc có ông Nhiêu Dự. Ông này cũng nhà Nho nhưng học kém rồi ra làm hương chức. Ông Lạc với ông Dự vốn không ưa nhau. Thường khi say rượu, ông Lạc vẫn đem ông Dự ra chửi. Ỷ quyền làm lộng, ông Dự bắt ông Lạc đóng trăng. Khi ấy có người khách trú (người Hoa) bị tội đánh bông vụ cũng ngồi chung. Ông Lạc mới làm thơ thuật lại sự đó.” (Dẫn lại theo Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, Trịnh Vân Thanh, quyển 1, Sài Gòn, 1966).