Năm Tân Vị qua rằm tháng tám,
Vẻ trời thanh càng ngắm càng cao,
Ngân hà một giải trắng phau.
Ai dun dủi cho ta vào động bích?
Vào cửa động tứ bề tĩnh mịch.
Ngọn đuốc soi tự tích nghìn xưa.
Ngẫm xem Ngự Chế đề thơ
Lòng mơ ước đến bây giờ mới thấy.
Thấp thoáng xa xa hang một dãy,
Tiếng nước gieo như gảy đàn cầm
Thấp cao đủ điệu bát âm
Lúc bổng bổng lúc trầm trầm êm ái.
Nhẹ nhẹ, đường meo, lần bước mãi,
Mở mắt xem chốn đại kỳ quan
Đá to nằm dọc, nằm ngang
Ai khéo tạc nên long bàng hổ cứ
Tiền bạc gạo mỗi kho mỗi thứ
Chẳng ai nom, hầu thử người pham
Hang sâu xuống đất tối om
Tay hoa đuốc, cúi mặt dòm: thăm thẳm
Trèo cụm đá cheo leo đứng ngắm.
Lên càng cao càng lắm vẽ xinh.
Lửa lập loè, động rung rinh,
Nấm vú đá sát bên mình lố nhố.
Rêu phong động mọc dài như cỏ
Chỗ rêu vàng, chỗ đỏ, chỗ xanh
Lên một mình, xuống một mình,
Gõ bộng đá tiếng rền rền kêu mãi.
Vừa đến sập của ông Đào Thái…
Nghĩ trí cao cảm khái bồi bồi.
Trước ta e chỉ có Ngài
Lúc nhàn rỗi lẻn vào chơi tiên cảnh,
Dưới ngọn đuốc khúc đường lóng lánh.
Mắt nhìn lui, đủng đỉnh bước ra.
Trời thu trông giải Ngân hà.
Vẻ ngân phai nhạt đã ba bốn phần.
Tỉnh Thanh Hoá có nhiều mỹ cảnh, song đối với tôi động Từ Thức đẹp hơn. Động này đã được liệt vào thứ sáu trong các động ở trời Nam. Trong sách xưa, cụ Nguyễn Dữ chép rằng sau khi treo ấn từ chức tri huyện, ông Từ Thức đi ngao du. Đi đến động Bích Đào (tức động Từ Thức bây giờ) thì gặp nàng tiên Giáng Hương rồi kết duyên với nàng. Sau vì nhớ quê hương, ông từ biệt về, mới thấy rằng mấy tháng ở tiên cảnh bằng mấy thế kỷ ở địa giới vậy.
Nghe nói rằng xưa kia lối vào động rất hẻo lánh. Sau nhờ ông Đào Thái Hanh (làm tri huyện Nga Sơn) tu bổ nên khách du lịch càng đông. Ông này khi nào rỗi việc quan vào động nằm chơi, nằm trên một cái sập đá, đục ngay cuối động, một nơi rất bí hiểm.
Vì động này đẹp, nên có thơ ngự chế và cụ bảng nhãn Lê Quý Đôn có khắc thơ trong đá, trước cửa động.