Tặng Phan Bội Châu

Qua sơn lâm âm thầm và hùng vĩ,
Tắm ngày đêm trong bóng đêm huyền bí,
Cành thướt tha cùng lá chíu chít giao,
Từ ngàn thu thiếu ánh mặt trời đào;

Qua những suối đầy rêu và chậm chạp,
Từ từ chảy dưới hai hàng cây thấp,
Như con trăn-ngọc-thạch vẩy long lanh,
Cuộn mình và uốn khúc trên đá xanh;

Qua những rặng núi cao và ngạo nghễ,
Chiều chiều tắt ngọn đuốc hồng đang xế;
Những ngàn lau như sóng biển mông mênh,
Cùng heo may lên xuống và bập bềnh;

Qua những nơi mà loài người yếu ớt
Chưa hề dám, tự ngàn xưa, đặt gót,
Con Voi Già bình tĩnh lạnh lùng đi,
Mắt lừ đừ vơ vẩn nỗi sầu bi.

[…….]

Voi nhớ rằng đã quá hai mươi hạ,
Nó dẫn đàn vượt qua hàng núi đá.
Nay, như xưa, vẫn tựa con rồng lam
Cuốn chùm Sao Câu Rút ở trời Nam.

Ôi! oai linh thay quãng đời oanh liệt
Nó ngang dọc vẫy vùng trên non biếc!
Hống hách thay những buổi, sức mạnh đầy,
Nó làm chúa muôn cầm thú cỏ cây!

Nó lại nhớ, than ôi, ngày bi đát
Người bé nhỏ xấu xa và hèn nhát,
Kéo từng đàn tới những chốn nguy nga
Cướp giang sơn hùng vĩ của Voi Già.

Biết bao voi dưới trận mưa tên sắt,
Đành phó mặc đống xương tàn cho đất!
Biết bao voi bị sét của loài Người,
Ngang đầu vang lừng nổ, ngã chết tươi!

[…….]

Voi đầu đàn, trên mình tên chơm chởm,
Thua, sau một trận giao phong ghê gớm,
Đành ôm, trời đất hỡi, trái tim đau,
Mà vội vàng trốn bỏ cảnh rừng sâu!

Nó đi, đi mãi, nhưng chẳng biết
Đi đâu. Ăn uống nghỉ ngơi chẳng thiết,
Nó đi, đi cho cách biệt miền Nam,
Cách biệt loài Người tàn ác tham lam.

Đoạn, trèo lên trên cao nguyên Tây Tạng
Rồi dừng bước. Gió cuốn theo ngày tháng,
Sáng qua chiều lại, sáng lại chiều qua,
Nỗi gian truân xưa, Voi cố xoá nhoà.

[…….]

Nhưng nay Voi biết mình đà tới cõi:
Sức thiêng liêng những ngày xanh chói lói,
Như mặt trời tàn tạ buổi chiều đông,
Trong tim Voi kém rộn với kém nồng.

Voi quả quyết noi theo con đường cũ
Quay về thăm những nơi xưa đàn trú,
Nhìn lại quãng đời niên thiếu anh hào,
Rồi bỏ mình ở chốn núi non cao.

Voi đi… Bỗng dừng chân, nó đứng lại,
Vì, kìa! Nơi mà loài Voi thất bại
Giống Người! nòi Voi thua trận khi xưa!
Nơi mà nước non cao cả đổi vua!

Ấn Độ! Ấn Độ! Nước non lộng lẫy!
Đêm hè ngươi tưng bừng đẹp đẽ mấy!
Ấn Độ phì nhiêu! Ấn Độ xanh tươi!
Cảm lòng thay, những cảnh vật của ngươi!

Vụt nhớ lại trận giao phong kịch liệt,
Cất tiếng buồn, Voi kêu rên thảm thiết.
Rồi, đầu như choáng váng, dạ đê mê,
Voi như ngất ngây, phấn khởi, say mê.

[…….]

Bỗng Voi thu chút sức thừa đứng dậy,
Rồi ngẩng đầu lên sao hè lộng lẫy,
Trong khoảng đêm khuya lặng lẽ, mơ màng,
Voi buồn rầu, cất tiếng bỗng rít vang.

Tiếng kêu ầm cõi sơn lâm to lớn
Xiết bao, ôi, đắng cay và đau đớn!
Nhưng thương thay, sao bạc chẳng ai hoài,
Rừng chẳng thương thân phận kẻ lạc loài.

Mình mệt mỏi, bên sông, Voi im rít,
Nhưng tan tác vào bóng đêm mù mịt,
Biết bao tình thương nhớ, nỗi sầu bi,
Theo tiếng kêu đều thoang thoảng bay đi.

Hồn rừng thẳm, những vang cây chan chứa,
Nhắc lại tiếng tiếng Voi kêu nhiều lượt nữa
Rồi núi non và cảnh vật âm u
Lại đắm say trong giấc mộng muôn thu.

Tiếng giã từ núi cao cùng sông rộng,
Chào rừng xanh với vòm trời lồng lộng,
Gọi linh hồn hùng vĩ của loài Voi,
Voi tưởng một mình mình biết mà thôi.

Có hay đâu gió xuyên sơn lừng lẫy
Đã than lại lời than đau đớn ấy,
Đã khiến cho ở chốn mịt mùng xa,
Tấm lòng ta thổn thức, hỡi Voi Già!

Bài thơ này được tác giả viết tặng Phan Bội Châu vào những ngày cuối cùng của nhà chí sĩ yêu nước, đăng trên báo Tân thiếu niên số 3, ngày 16/2/1935, nhưng không đầy đủ như ở đây. Năm 2011, nhà phê bình Lại Nguyên Ân tìm lại được bài thơ này từ số báo trên và đăng trên báo Thể thao & Văn hoá. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy các đoạn thiếu còn lại của bài thơ này từ những nguồn tham khảo khác để bổ sung.

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (chưa có vote)
Loading...

Trả lời