Bức thứ mười bốn:
(Ngô Khôi tới dâng Kim Trọng đôi chim Đại Hồi,
nhờ vậy Vương Quan đã tìm đuợc tung tích Hồ Ông
(Thầy học của Kim, Quan, Kiều) – Dòng dõi Hồ Quý Ly (Việt Nam) – lưu lạc bên Tàu, là một học giả chủ truơng “Tri Hoà Hành Hoá”)
Guồng tơ nhật nguyệt mênh mang
Cuốn hồng sương núi, phơi vàng xuân hoa
Lưng trời lác đác chim qua
Cánh theo gió ấm thiết tha tìm về (1420)
Mây bay lả nét thơ đề
Núi xanh thiên bút ngọn kề nghiên suơng
Lầu cong mái đậm nắng vương
Tiếng chim trong cụm hải đường xôn xao
Huyện đường khuất giữa ngàn đào
Đì đùng pháo nổ, ngạt ngào trầm xông
Cúc vàng nở ngát hiên đông
Mây trời cỏ đất mênh mông một màu
Họ hàng đoàn tụ bên nhau
Nhìn đàn trẻ nhỏ trước sau một bầy (1430)
Ngày xuân mới gặp nhau đây
Vương, Kim ngồi dưới tàng cây thưởng trà
Chuyện gần rồi đến chuyện xa
Tấm lòng hồi tưởng quê nhà đinh ninh
Hai ta như bóng theo hình
Leo lên cành bưởi luận bình văn thơ
Nhân khi Thầy mải cuộc cờ
Trốn trường ra tắm bên bờ Bảo Giang
Qua nương bẻ trộm mía vàng
Ăn xong nhặt sỏi bên đàng ném nhau (1440)
Trở về nhận bốn roi đau
Thế rồi lại trốn đi câu như thường
Trong mình, giấu mấy nén hương
Ghé vào bãi mộ bên đường phụ ma
Sườn đồi đuổi bắt reo ca
Buông diều cánh cốc la đà bay lên
Trèo cây đa, bắt sáo đen
Móc nhằm hang rắn một phen hoảng hồn
Mùa đông rủ chó săn chồn
Xuống khe đơm cá, lên cồn bẫy chim (1450)
Bạn xưa còn nhớ như in
Bây giờ ai biết bóng chim cuối trời
Mùa nào chẳng có thú chơi
Ngày nào chẳng đứng nghe lời rầy la
***
Sau lưng có tiếng hầu nha
Xin đưa một kẻ vào là Ngô Khôi
Dâng lên cặp chim Đại Hồi
Lông tơ như thể phấn nhồi tuyết vương
Quả là báu vật lạ thường
Tên Khôi khép nép bên tường trình thưa (1460)
Rằng con từ độ ơn nhờ
Thượng quan minh xét, bao giờ dám quên
Đoái thương đến phận dân hèn
Tha về phụng dưỡng mẹ hiền sắt son
Đức tày vạn biển nghìn non
Dù cho sông cạn đá mòn không phai
Quê nhà có ngọn Thiên Thai
Đỉnh cao chót vót là đài Thông Linh
Có hang Thánh Hoá, Tâm Bình
Bên chùa Non Nước cảnh tình thanh u (1470)
Có Thầy ở nước Đại Ngu
Là Hồ ẩn sĩ dật cư chốn này
Tổ tiên lưu lạc qua đây
Cố hương cách mấy trùng mây quan hà
Sống cùng ái nữ hiền hoà
Sắc tài đôi vẻ tên là Ẩn Lan
Sớm trưa cung cửi tầm tang
Xuống khe giặt lụa, lên ngàn dạo chơi
***
Vương, Kim vừa thoáng nghe lời
Nhìn nhau xúc động bồi hồi – Thầy xưa! (1480)
Bao năm đằng đẵng ai ngờ
Mây còn quyện núi, nước chưa qua cầu
Vương truyền: Người hãy trình mau
Tiểu thư còn biết hiệu “Sầu Hoa Dung”?
***
Họ Ngô xiết đỗi lạ lùng
Quan đây, Thầy đó hẳn chung họ hàng
Bẩm quan quả đúng hiệu nàng
Người còn tôn bậc chúa lan tuyệt trần
***
Hai chàng nghe nói tần ngần
Mỗi lời như dẫn xa dần vào mơ (1490)
Mái trường cỏ lợp đơn sơ
Xanh xanh ngõ trúc, ơ hờ then hoa
“Làm Nên Hoá, Biết Nên Hoà”
Chủ trương, riêng phải học gia kinh quyền
Điều Thân, Tịnh Ý, Hoàn Nguyên
Hoà vào xã hội, thiên nhiên đổi dời
Tình thương, lẽ sáng thông ngời
Giúp người Tự Chỉnh giữa đời ngăn che
Lời Thầy khuyên nhủ răn đe
Khi ngồi luyện tập, khi nghe văn bình (1500)
Đạo trương thắm thiết ân tình
Bao năm tấc dạ in hình chưa phai
***
Khôi rằng: Như loại chim này
Tuy là dã điểu – lại hay nghĩa nghì
Theo nàng – đuổi cũng không đi
“Lý – Trần – Lê” hót vân vi núi ngàn
***
Lâng lâng như suối reo đàn
Tưởng lời non nước hoà tan dặm trường
Từ nghe Lan hát trên nương
Đôi chim từ bỏ non sương theo cùng (1510)
Suốt ngày như bạn vui chung
Tiếng chim hoà vọng một vùng non xanh
Thế rồi kết tổ trên cành
Thời gian thoắt đã nở thành một đôi
Nàng đặt tên chim Đại Hồi
Ngày ngày tung cánh trong nôi mây hồng
Con thường hầu hạ Hồ Ông
Lên non hái thuốc, câu sông buông thuyền
Tập tành chút ít bút nghiên
Thảnh thơi riêng cõi uyên tuyền qua mau (1520)
Đói no bữa cháo bữa rau
Nửa nuôi thân mẫu, nửa hầu Tôn sư
Từ ngày hoạ đến chẳng ngờ
Duyên may gặp cửa quan, nhờ lượng trên
Cho về phụng duỡng mẹ hiền
Ơn cao lòng những mong đền một mai
Nhân khi kể đến danh ngài
Ẩn Lan gửi tặng chim này lễ xuân
Gọi là báo đáp đôi phần
Rạng soi thánh đạo trị dân an hoà (1530)
***
Kim truyền: Heo hút non xa
Dùi mài kinh sử được là quý hơn
Vị gì lặn lội xuyên sơn
Qua đây đền đáp chút ơn bình thường
Mẹ già sớm móc chiều sương
Lỡ khi nắng gió bất thường, chớ khinh
Sinh thành ân nghĩa cho mình
Còn ta chút lượng hiếu sinh đáng gì
Nghỉ chân dăm bữa – rồi đi
Cho ta gửi chút quà về núi Đông (1540)