Bức thứ hai mươi ba:
(Kiều nhìn qua màu xanh vách núi cố huơng mới ngộ ra chính
hoàn cảnh thiên nhiên và thân thuộc ban đầu đã tạo nên
tâm thức nàng – chỉ có quê hương mới mang lại thứ
chân hạnh phúc – viên Ngọc Báu trong mình mà mãi lãng quên)
Kiều qua muôn dặm bụi hường
Thôn mây vần vũ, quán sương rạc rời
Vượt non xe kiếm mặt trời
Sang sông ngựa hí trông vời nước xanh
Xe theo vó đổ mưa nhanh
Người qua đồn cũ ngó thành rêu trơ
Núi non thấp thoáng sương mờ
Rõ ràng đâu phải giấc mơ đêm tàn
Chao ơi suối tía đồi lam
Bao năm tơ tưởng lòng tam tứ sầu (2780)
***
Cỏ cây xưa vẫn xanh màu
Xanh ơi! Một cõi nhiệm màu trong ta
Xanh từ mấy chục năm qua
Dạy người khôn lớn yêu nhà yêu quê
Ta đi – xanh gọi ta về
Nôi ru trời đất bốn bề trăng sao
Mặt trời luyện chí người cao
Núi non giục vượt ba đào đấu tranh
Cỏ hoa dậy đức hiền lành
Chim muông nhịp bước xuân hành tiến đi (2790)
Mây bay nhủ lẽ từ quy
Mãi quên một cõi lưu ly toả ngời
Mùa Xuân dậy lý đất trời
Mùa Thu dậy tiếng ru hời gió thu
Mùa Đông để trán ưu tư
Hạ Vàng để mắt trầm từ thâm sâu
Dậy hoà bốn biển năm châu
Dậy khai địa ngục, dậy xâu mộng vàng
Bản di chúc toả hào quang
Mẹ, Cha thầm nhủ con đàng – vượt lên (2800)
Lòng chung bát ngát cõi Tiên
Trí ngời quẫy khúc Rồng thiêng vẫy vùng
Giờ đây tâm trí tao phùng
Tái sinh giữa tấm lòng chung sơn hà
Xanh xanh đất mẹ hiền hoà
Giang tay ôm đứa con xa bấy ngày
***
Nàng còn mặc khải ngất ngây
Non cao phục xuống một bầy voi xanh
Dây diều đây dựng quách thành
Non ơi non vẫn yên lành đó non (2810)
Ô kìa! Ngũ Nhạc chon von (*)
Mai Sưu vươn ngọn hao mòn bạc sương
Phượng Hoàng núi nghỉ cánh hương
Bao năm theo gió tha phuơng gọi người
Triền này, Cổ Vịt rừng tươi
Triền kia, Đá trắng là nơi trại mình
Nương khoai gốc sắn là tình
Cỏ hoa mây suối tạc hình vóc ai
Nhìn ra tre trúc vươn dài
Cầu Giòng thôn, khói bay vài sợi lam (2820)
Suối giăng lấp lánh tơ ngàn
Đồi kia gởi nấm mộ tàn hoa leo
Xe qua đàn trẻ ùa theo
Dắt nhau lả tả hò reo rộn ràng
Nắng chiều rũ xuống mênh mang
Líu lo sáo đậu trên tàng Đá Đôi
Khe sâu nước vọng bồi hồi
Mái rêu Nghè Nấm lợp trời nhung xanh
Đường viền sỏi đá quanh quanh
Chốn xưa đã hiện nét tranh lạc hà (2830)
***
Ngực mừng tưởng vỡ tan ra
Nàng truyền xuống ngựa thướt tha bộ về
Bước chân nẫu nhớ mùi quê
Đất truyền nhựa mạch, mừng tê tái người
Lòng rạo rực hé môi cười
Mở ra bát ngát hơn mười Kinh Thơ
Cỏ cây tươi mắt xanh chờ
Núi non chín ửng phất phơ ráng hường
Ngồi trên cội đá ven đường
Áo Kiều lay vạt tà dương nhiệm màu (2840)
Nhìn trời ngâm khẽ đôi câu
Ý thơ theo bướm quanh đầu vờn bay
Cỏ cây ngan ngát hương say
Đồi Thu chợt cánh chim bay hoạ đờn
Tiếc đời hoài mấy năm hơn
Tìm nơi bọt nổi mây vờn hồi sinh
Nhãng quên Báu Ngọc trong mình
Là quê hương kết muôn hình hào quang
Bày chi địa ngục thiên đàng
Bên trong sự sống mênh mang tràn đầy (2850)
Bây giờ mới hiểu lời Thầy
“Cỏ hoa đâu chẳng hiện bày chân ngôn
Con người cứ mãi xa nguồn
Đày mình giữa những chán chường quẩn quanh
Cho người tu luyện rừng xanh
Thầy xin cày cuốc tựu thành tự nhiên
Mặc ai tìm kiếm Tây thiên
Riêng ta biến cái não phiền thành hoa
Hoài công sớm tối ê a
Chi bằng hái cúc ươm trà ngẫm thu (2860)
Tu mà chẳng biết mình tu
Nhập cùng mối Đạo cho dù rong chơi
Thân tự tại giữa đổi dời
Một lòng vô bệnh – trí ngời lên cao
Ngâm thơ giữa cõi trần lao
Dù cho vọng niệm khác nào Như Lai
Một khi minh triết xa người
Còn chăng giả tướng giữa nơi hồng trần
Phân chia này nọ, ngã, nhân
Càng tìm càng vạt gót chân lạc nguồn” (2870)
Bao năm trí bệnh đoạn trường
Truân chuyên đã trải, đau thương đã rồi
Dòng dòng nước mắt nổi trôi
Bây giờ mới mở chân trời uyên ngôn
***
Tóc nàng dài sợi hoàng hôn
Cò bay dằng dặc cô thôn gọi chiều
Một vùng mây núi đăm chiêu
Dưới chân giun dế nở đều trường ca
Kiều lên trang trại quê nhà
Mảnh trăng theo hiện lên tà áo lơi (2880)