Bùi Kỷ 裴杞 (1888-1960) tự Ưu Thiên 憂天, hiệu Tử Chương 子章, là nhà giáo, nhà Nho học và nhà nghiên cứu văn hoá đầu thế kỷ 20. Ông quê ở làng Châu Cầu, phủ Lý Nhân (nay thuộc thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), trong một gia đình khoa bảng Nho học. Ông đỗ Phó bảng năm 1909, được triều đình Huế vời ra làm việc nhưng ông từ chối lấy cớ phải phụng dưỡng cha và ông nội đều đang già yếu. Sau khi Cách mạng tháng tám thành công, Bùi Kỷ được mời tham gia Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu 3, làm chủ tịch Hội liên Việt liên khu 3, Hội truởng hội giúp binh sĩ tị nạn liên khu 3. Năm 1946, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh cử Bùi Kỷ làm Phó ban lãnh đạo thanh toán nạn mù chữ, sau làm Trưởng ban Bình dân học vụ toàn quốc, là thành viên của chính phủ Việt Minh mới thành lập. Ông được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất. Ngoài ra, Bùi Kỷ còn là Uỷ viên chủ tịch đoàn uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới, Hội trưởng Hội Việt Trung hữu nghị.
Tác phẩm:
– Truyện Thuý Kiều (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo), Hà Nội 1925
– Việt Nam văn phạm (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim soạn)
– Quốc văn cụ thể, Tân Việt Nam thư xã, Trung Bắc tân văn, Hà Nội 1932
– Truyện trê cóc, Khai trí tập san, số 4, tháng 12, 1941
– Văn chương, Đồng Thanh, 1932, số 1, 2, 5
– Thơ văn Bùi Kỷ (Nguyễn Văn Huyền sưu tầm, giới thiệu), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1994