Cao Thị Ngọc Anh (1878-1970) tên thật là Cao Thị Hoà, còn gọi Cao Ngọc Anh, sinh ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức thứ 31 (1878), quê làng Thịnh Mỹ, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nay là làng Thịnh Mỹ, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Bà là ái nữ của Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục, em gái Phó bảng Cao Xuân Tiếu, những vị đại nho, những nhà văn có tiếng. Được thân phụ cho theo nghiệp bút nghiên từ thuở thiếu thời, nên Cao Thị Ngọc Anh uyên thâm cả Hán học, tao nhã cả văn chương.
Bà lấy chồng năm 19 tuổi, chồng là cử nhân Nguyễn Duy Nhiếp, người tỉnh Hà Đông, con Nguyễn Trọng Hiệp, Văn Minh đại học sĩ. Chồng mất sớm lúc bà mới 26 tuổi, có ba con còn rất nhỏ, bà không tái giá mà ở vậy nuôi con.
Bà là một phụ nữ tài hoa, nổi tiếng cả xứ Nghệ, có tư tưởng tiến bộ, yêu nước. Năm 1908, bà mở trường dạy võ cho phụ nữ. Năm 1953, nữ sĩ xuất bản tập Khuê sầu thi thảo gồm những bài thơ chữ Hán và chữ Việt với bút hiệu Ngọc Anh. Tập thơ này được ái mộ trong giới văn học Việt Nam thời bấy giờ. Khoảng năm 1960-1961, ở Sài Gòn bà đứng đầu Hội thơ Quỳnh Dao, chiêu tập và quần tụ các nữ sĩ. Thơ Cao Thị Ngọc Anh giàu chất trữ tình và trào lộng.
Bà mất tại Sài Gòn vào năm Canh Tuất 1970, thọ 92 tuổi. Khi bà mất, Nguyễn Thị Phương Nghi có bài thơ ca ngợi bà:
Mượn thú văn chương tỏ nỗi nhà
Lam Hồng nữ sĩ khác người xa
Trần duyên chưa được tròn công quả
Tâm sự thôi đành gửi bút hoa
Mệnh bạc thẩn thơ cơn sóng gió
Lòng son tô điểm nét sơn hà
Nuốt cay ngậm đấng bao tình cảm
Tiết điệu đêm dài lệ nhỏ sa…
Bà xuất hiện trong một số sách như Hương sắc quê mình của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Quốc văn diễn nghĩa của Dương Quảng Hàm, Giai thoại làng nho của Lãng Nhân… Năm 1995, Ninh Viết Giao có chọn chín bài in trong cuốn Thơ văn nhà nho xứ Nghệ, rồi sau đó Vũ Ngọc Khánh có nhắc lại trong cuốn Giai thoại ông đồ. Năm 2004, Từ điển văn học (bộ mới) có tên bà.