Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) là nhà thơ trữ tình của Việt Nam, con trai của nhà báo, dịch giả, học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Do năm 1914, thực dân Pháp suy yếu, bị quân Đức đánh bại nhiều trận thê thảm nên ông Vĩnh đã theo đó mà đặt tên cho con trai.
Tiểu sử
Nguyễn Nhược Pháp sinh ra tại Hà Nội, con trai của dịch giả, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh với người tình Phan Thị Lựu. Năm 1913, ông Vĩnh có khách sạn Trung Bắc ở nhà 50 phố Hàng Trống, gần hồ Gươm, Hà Nội. Bà Lựu giao du rất rộng, nói thạo tiếng Pháp, nguyên là con gái của một thổ ty giàu có ngoài Lạng Sơn. Mỗi khi về thủ đô, bà thường qua lại trọ ở khách sạn, nên quen biết ông Vĩnh và chung sống như vợ chồng. Bà Phan Thị Lựu ở tầng hai còn ông Vĩnh đi làm, đến trưa thì nghỉ lại khách sạn với người vợ hai, tối mới về phố Mã Mây với vợ cả và các con.
Năm 1916, Nguyễn Nhược Pháp mồ côi mẹ. Khi biết tin ông Vĩnh có thêm một người phụ nữ khác thì bà Phan Thị Lựu không làm chủ được tình cảm của mình. Nỗi ghen tuông đã trào lên và bà đã tìm cái chết để giải thoát.
Từ năm 2 tuổi, Nguyễn Nhược Pháp được mẹ cả đón về ở Mã Mây rồi đi học vỡ lòng. Trong 6 năm tiếp ông vào học trường Trí Tri ở phố Hàng Đàn và Trung Bắc học hiệu, phố Lý Quốc Sư. Năm 14 tuổi thi đỗ lớp 6 Trường Trung học Albert Sarraut. Trong số 7 anh em, Nhược Pháp là con bà hai, được coi là anh, mặc dù sinh sau Nguyễn Dương (con mẹ cả) mấy tháng. Thời xưa xã hội coi những người con vợ bé, chỉ là con thêm vợ nhặt. Nhưng nhà ông Vĩnh không hành xử theo lối ấy. Theo kể lại, Nguyễn Nhược Pháp thông minh, đẹp trai, học giỏi có đầu óc tổ chức, nhiều sáng kiến, làm đầu tàu cho các em trong các hoạt động, sinh hoạt thể thao, vui chơi rất văn hóa.
Năm 20 tuổi đỗ tú tài phần nhất, 1935 đỗ tú tài phần hai, vào Đại học luật. Năm 1923, gia đình Nguyễn Văn Vĩnh đã chuyển từ phố Mã Mây về phố Thụy Khuê, trước trường Bưởi (trường Chu Văn An bây giờ) gần hồ Tây. Đây là một trong những tài sản lớn của ông F.H Schneider- một người Pháp, vốn là đồng nghiệp làm nhà in, xuất bản báo, vì yêu mến ông Vĩnh đã chuyển nhượng cho trước khi ông này về hưu ở cố quốc.
Nhà ông Vĩnh đông người, nhiều con, lại thêm bạn các con ở tỉnh lẻ về ở nhờ để tiện bề ăn học… vậy mà vẫn rất thoải mái. Gia sản đất đai của Schneider là một khu đất rộng hơn ba nghìn mét vuông. Trong này có biệt thự hai tầng, có xưởng máy giấy mái vòm, bê tông cốt thép, không cột. Ông Vĩnh sửa lại thành nhà thờ và nhiều phòng để ở. Có mười gian nhà ngang, có bếp, nhà để xe, các phòng cho người nhà sinh hoạt…
Sự nghiệp
Từ năm 1930 trở đi, kinh tế gia đình Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu khó khăn trầm trọng. Nguyễn Nhược Pháp vừa đi học để thi tú tài, thi đại học Luật, vừa làm ở tòa báo An Nam mới, viết thơ… để có tiền nhuận bút, giảm bớt chi tiêu của gia đình cho mình…
Ông làm thơ từ sớm và đã từng viết cho các báo Annam Nouveau, Hà Nội Báo, Tinh hoa, Đông Dương Tạp chí.
Qua đời
Từ sau khi chị gái là Nguyễn Thị Nội đang đi học Luật năm thứ ba mắc bệnh mất (1933), rồi cha mất (1936), chị Vân mất (1938), và tin anh trai Nguyễn Hải mất trong Nam… Nguyễn Nhược Pháp đau buồn rồi mắc bệnh lao hạch.
Ngày 19 tháng 11 năm 1938, ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Đồn Thủy, hưởng dương 24 tuổi. Ban đầu, thi hài Nhược Pháp được mai táng ở nghĩa trang Hợp Thiện, Quỳnh Lôi, Mai Động, Hà Nội, sau được bốc mộ về làng Phượng Dực, quê cha.
Ông để lại ba bức thư, một bức viết bằng chữ Pháp, cám ơn các thầy thuốc đã hết lòng cứu chữa. Một bức thư vĩnh biệt mẹ cả và gia đình (khi ấy ông Vĩnh mất được hai năm). Một bức gửi cho người anh là nhà thơ Nguyễn Giang, với tâm nguyện hãy chăm sóc mẹ cả và các em nhỏ tốt hơn nữa.
Tác phẩm
- Ngày xưa (1935)
- Người học vẽ (1936)
Thành tựu nghệ thuật
Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp…. Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật quý: với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng.”Bài thơ “Chùa Hương” nổi tiếng của ông đã được ca sĩ Trung Đức và giáo sư Trần Văn Khê phổ nhạc.