Ấu Triệu (?-1910) tên thật là Lê Thị Đàn, người xóm Chỉ, làng Thế Lại, tỉnh Thừa Thiên – Huế, xuất thân trong một gia đình khá giả, có tinh thần yêu nước. Thuở nhỏ bà nổi tiếng về văn thơ, hiếu học nhưng do hoàn cảnh bị tù đày của cha vì liên quan đến phong trào Cần Vương, mẹ lại mất sớm, có nhiều mối lo toan vất vả, bà phải chấp nhận làm vợ viên thông ngôn của toà Khâm sứ Trung kỳ. Khi chồng đổi vào làm việc, bà không chịu đi theo, quyết ở lại chăm sóc cha và lo hương khói cho mẹ.
Năm 1903, cụ Phan Bội Châu vào Huế tìm đầu mối liên lạc với các nhân vật có tiếng ở kinh thành để chuẩn bị thành lập Duy Tân hội. Cụ đã được Võ Bá Hạp (1876-1948) tiến cử Lê Thị Đàn, vận động bà vào hội Duy Tân. Đây là nữ đồng chí đầu tiên mà cụ Phan kết nạp vào hội. Tên Ấu Triệu cũng là do cụ Phan đặt cho bà. Trong suốt 7 năm hoạt động, bà đã cáng đáng nhiều công việc hệ trọng, là người làm cầu nối đảm nhiệm việc vận chuyển tiền bạc, thư từ, tài liệu từ Quảng Nam – Quảng Ngãi qua Huế rồi ra Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng để đưa ra nước ngoài cho những học sinh đang du học tại Nhật Bản. Có thời kỳ bà khoác áo cà sa để làm nhiệm vụ liên lạc giữa các cơ sở bí mật khắp Bắc – Trung – Nam. Bà được các đồng chí trong Duy Tân hội hết sức khen ngợi bởi tính cương nghị, trung tín, giỏi tài ứng xử trước quân thù.
Bên cạnh hoạt động ở hội Duy Tân, bà còn tham gia các cuộc đấu tranh chống lại sự chèn ép của nhà nước phong kiến và của thực dân Pháp. Năm 1908, Lê Thị Đàn cùng một số nhân vật trọng yếu ở Thừa Thiên – Huế như các ông Khoá Mãnh, Khoá Mộng kêu gọi nhân dân tham gia phong trào kháng thuế; cùng nhân sĩ Nguyễn Đình Tiến cổ vũ học sinh bỏ trường thi trong kỳ thi khoá sinh ở huyện Hương Trà để phản đối chính quyền thống trị.
Năm 1910, bà bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn dã man nhưng vẫn không khai báo điều bí mật nào của hội Duy Tân. Bà đã tự kết liễu đời mình bằng một dải lụa trắng ở trong nhà lao, để lại một bài thơ tuyệt mệnh được viết bằng máu thấm đẫm tinh thần yêu nước, kiên trung bất khuất của mình.